Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

10 sự kiện thời sự nổi bật trong năm 2015

Năm 2015 khép lại với không ít sự kiện quan trọng liên quan đến nhiều vấn đề của đất nước. Cùng điểm lại 10 sự kiện thời sự nổi bật trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế vĩ mô, đối ngoại, đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, cho đến tài chính - ngân hàng...



1. Hoàn thành Đại hội Đảng các cấp

Từ ngày 15/9 đến ngày 3/11/2015, 68/68 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Điểm đáng chú ý đối với Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 của một số tỉnh - thành là sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ (so với các nhiệm kỳ trước), giữ các vị trí chủ chốt như Bí thư, Phó bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy...
Chẳng hạn như hai Phó bí thư Thành ủy TP.HCM đều có tuổi dưới 50, hay Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang, thành phố Đà Nẵng đều dưới 40 tuổi.

2. Tăng trưởng GDP tiếp tục được duy trì và CPI thấp nhất trong vòng 15 năm qua

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả nước năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014, thấp hơn so với mục tiêu 5% của Quốc hội đề ra, giảm nhanh từ 11,75% năm 2010 xuống còn 6,04% năm 2013 và 1,84% năm 2014.
Đây cũng là mức tăng CPI thấp nhất kể từ năm 2001, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,05%.
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68% (năm 2014 đạt 5,98%), cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra từ đầu năm, đồng thời đạt cao nhất trong 5 năm qua (năm 2011 tăng 6,25%, năm 2012 tăng 5,25%, năm 2013 tăng 5,42% và năm 2014 tăng 5,98%).

3. Hoàn tất đàm phán và ký kết 4 Hiệp định thương mại tự do

Đây là những FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cụ thể, Việt Nam đã ký kết FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Đồng thời kết thúc đàm phán 2 hiệp định lớn là TPP và FTA Việt Nam - EU.

Hầu hết những thị trường thuộc các hiệp định kinh tế này đều là thị trường trọng điểm cho xuất khẩu của Việt Nam, theo đó, EU, Mỹ (thị trường đơn lẻ lớn nhất trong 12 thành viên đàm phán TPP), Hàn Quốc đều nằm trong nhóm 6 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Những mặt hàng xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định này chủ yếu là dệt may, thủy sản,...
Ngoài việc kích thích xuất khẩu, các FTA còn có tác động tích cực trong thu hút đầu tư FDI và đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.


4. Điều chỉnh chính sách tỷ giá

Trung tuần tháng 8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã liên tiếp (3 lần từ ngày 11 - 13/8) phá giá Nhân dân tệ (tỷ giá tham chiếu của CNY/USD giảm 1,9% - 1,6% và 1,1%). Động thái này của Trung Quốc đã tác động đến chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã linh hoạt nới biên độ tỷ giá VND/USD từ 1% lên 2% vào ngày 12/8 và sau đó, ngày 19/8, NHNN tiếp tục nới biên độ thêm 1%, từ 2% lên 3% (cao hơn mức dao động mà NHNN đề ra đầu năm 2015 là 2%). Biên độ này sẽ được duy trì sang những tháng đầu năm 2016.

5. Diễn biến trái chiều trong xuất nhập khẩu hàng hóa

Trong khi ngành dệt may, gỗ, da giày và điện thoại cán mốc hoặc đạt kỷ lục về giá trị xuất khẩu (XK) thì mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam từ trước đến nay là nông lâm thủy sản lại sụt giảm mạnh trong năm 2015.
Điển hình như lĩnh vực dệt may, theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng của năm 2015, kim ngạch XK đã vượt mốc 20 tỷ USD (đạt 20,63 tỷ USD), tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Năm 2014, giá trị XK của ngành dệt may đạt 24,5 tỷ USD (Mỹ, EU và Nhật Bản là 3 thị trường chủ lực), dự kiến năm 2015, XK dệt may sẽ đạt 28,5 tỷ USD.
Ngược lại, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về XK nông lâm, thủy sản cho thấy, năm 2015, kim ngạch đạt 30,14 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Riêng các mặt hàng nông sản chính (cà phê, cao su, gạo) đạt giá trị XK gần 14 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng thủy sản đạt trên 6 tỷ USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ 2014.

6. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Năm 2015 là năm cuối cùng của kế hoạch cổ phần hóa (CPH) 2011 - 2015. Theo kế hoạch, năm 2015 CPH 527 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng từ năm 2011 đến ngày 12/11/2015, mới có 397 DNNN được CPH, đạt 75% kế hoạch.
Năm 2015 chứng kiến nhiều phiên IPO của Vinatex, Hàng không Việt Nam, các công ty thành viên của Vinalines, Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, Vận tải Đường sắt Sài Gòn, Vinamotor...
Song, trái ngược với dự báo trước đó cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hồ hời "săn đón" các cuộc IPO của DNNN, nhiều DN đã không đạt kết quả như kỳ vọng do số cổ phần chào bán quá ít hoặc kết quả kinh doanh thua lỗ, nợ, quản trị yếu,...
Tuy nhiên, có một số DNNN thuộc các ngành dệt may, logistic bị "cháy hàng" do đây là những ngành có tiềm năng, giữ thị phần chi phối, DN sở hữu nhiều quỹ đất và kết quả kinh doanh tích cực.

7. Đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng

Sau hàng loạt vụ sáp nhập và mua một số ngân hàng thương mại cổ phần với giá 0 đồng, các ngân hàng thương mại yếu kém giảm đáng kể, vốn điều lệ của nhiều ngân hàng sau sáp nhập tăng mạnh.
Từ năm 2011 đến nay, đã có 9 ngân hàng không còn có mặt trên thị trường (DaiABank, Ficombank, MHB, Southernbank...).
Riêng trong năm 2015, có 3 cuộc sáp nhập đáng chú ý là Mekong Bank sáp nhập vào Maritime Bank, MHB sáp nhập vào BIDV và Southern Bank sáp nhập vào Sacombank.
Không chỉ tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, năm 2015, hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng đạt được kết quả khả quan.
Trong 9 tháng của năm 2015, VAMC đã mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đạt 91.314 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua 82.155 tỷ đồng (kế hoạch là 80.000 tỷ).

8. Tăng 12,4% lương tối thiểu vùng

Ngày 3/9/2015, sau 3 phiên họp, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất (13/14 phiếu đồng thuận) mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2016 là 12,4%.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 năm, phương án tăng lương được đa số thành viên trong Hội đồng Tiền lương đồng thuận.
Mức điều chỉnh tiền lương năm 2016 bằng mức điều chỉnh của năm 2015. Với mức tăng này, lương tối thiểu sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Trong 2 phiên họp trước khi đi đến thống nhất, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) không tìm được tiếng nói chung khi đề xuất tăng lương tối thiểu vùng do Tổng LĐLĐVN đề ra là 16,8% và VCCI là 10%.
Với mức tăng đã thống nhất, lương tối thiểu vùng năm 2016 như sau: Vùng I là 3,5 triệu đồng (tăng 400.000 đồng), vùng II là 3,1 triệu đồng (tăng 350.000 đồng), vùng III là 2,7 triệu đồng (tăng 300.000 đồng) và vùng IV là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).

9. Thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng

Năm 2015 (tính từ đầu năm đến ngày 15/12), thu hút vốn FDI đạt 22,76 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 14,5 tỷ USD, lần lượt tăng 3,22 lần và 4,22 lần so với năm 2005. Trong năm, Việt Nam thu hút được nhiều đầu tư liên quan đến lĩnh vực may mặc của các doanh nghiệp Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc...
Đồng thời, Việt Nam cũng phần nào đón được làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang khu vực ASEAN của các tập đoàn đa quốc gia.
Điển hình như Samsung (Hàn Quốc) đã tăng đầu tư thêm 3 tỷ USD vào Bắc Ninh, nâng tổng số vốn đầu tư tính đến năm 2017 có thể lên đến 20 tỷ USD.
Năm 2015, Việt Nam cũng thu hút được 3 dự án tỷ đô, cụ thể là Giấy Cheng Loong Bình Dương (1 tỷ USD), Thành phố Đế Vương (Empire City) ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM (1,2 tỷ USD) và Samsung Display ở Bắc Ninh (3 tỷ USD). Song, điểm sáng trong thu hút dòng vốn FDI năm nay là vốn thực hiện tăng khoảng 17,4% so với năm 2014 và 2013 (giải ngân 11,5 tỷ USD).

10. Nhiều luật, quy định mới
Năm 2015, nhiều bộ luật được thực thi và việc cải cách thủ tục hành chính diễn ra mạnh mẽ nhất. Từ ngày 1/7/2015, 10 luật bắt đầu có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi... Trong lĩnh vực thuế, hải quan, đến nay, 100% các quy trình thủ tục cơ bản đã được tự động hóa.
Khoảng 60.400 DN, chiếm trên 99% DN có hoạt động xuất nhập khẩu tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử, kim ngạch xuất XNK qua thủ tục hải quan điện tử đạt 285,6 tỷ USD. Số thu thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử chiếm 75% số thu ngân sách.


Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN đã và đang được Bộ Tài chính chỉ đạo ngành hải quan phối hợp với các bộ, ngành thực hiện, theo đúng lộ trình Chính phủ đề ra.
Tính đến tháng 11/2015, cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 9 bộ, ngành, thực hiện đối với 22 thủ tục hành chính.

Theo DNSG



0 nhận xét:

Đăng nhận xét