Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Sự thật đau lòng đằng sau những viên pin điện thoại

Nhiều ông lớn ngành công nghệ trên thế giới đã bị cáo buộc lạm dụng nhân công trẻ em để khai thác mỏ cobalt, nguyên liệu làm ra các cục pin Lithium cho điện thoại thông minh.



Những chiếc điện thoại bạn sử dụng hàng ngày, mở nắp lưng nó ra, bạn thấy pin chứ. Có thể bạn thường xuyên ca thán, chửi rủa rằng pin của mình hết quá nhanh, pin quá tệ. Thế nhưng đã bao giờ bạn thử hỏi xem những viên pin ấy, từ đâu mà ra chưa?

Những viên pin điện thoại thông minh từ đâu mà có?

"Nhiều bụi lắm, ở đây dễ bị cảm lắm ạ, chúng cháu ai cũng đầy thương tích"
Đây là lời chia sẻ của một nhân công trẻ em 15 tuổi ở Cộng hòa Congo, được công bố bởi tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận được lập ra nhằm mục đích bảo vệ quyền con người. Trong bản báo cáo ấy, nhiều công ty công nghệ nổi tiếng thế giới, trong đó có cả những biểu tượng làng công nghệ đã bị cáo buộc lạm dụng lao động trẻ em và bắt chúng làm việc trong điều kiện lao động tồi tệ, chỉ để khai thác quặng cobalt làm nên những viên pin Lithium.

Trẻ em Congo phải chui vào hầm mỏ đi khai thác quặng cobalt làm pin Lithium.

Bản báo cáo mang cái tên "This is what we die for" (Chúng tôi chết vì thứ này) đã vạch trần sự tàn khốc trong ngành công nghiệp khai thác cobalt. Những đứa trẻ buộc phải mạo hiểm sức khỏe và mạng sống của mình, đổi lấy tiền công chỉ 2USD mỗi ngày làm việc.

Hiện tại có khoảng 40.000 nhân công trẻ em đang làm việc ở các mỏ khai thác quặng cobalt, dâng hiến linh hồn và chính cuộc đời mình để góp phần tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận cho các công ty công nghệ. Có thể nói, các ông lớn ngành công nghệ này đang "cưỡi" trên lưng từng đứa bé Châu Phi, cầm cần câu, cầm vợt, hốt hàng bao tải tiền về túi mình.

Mỗi nhân công trẻ em nhận được 2USD (khoảng 40 nghìn VNĐ) mỗi ngày để khai thác quặng cobalt.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cùng Afrewatch, một tổ chức giám sát nhân quyền khác của Châu Phi đã cùng nhau ghé tới 5 mỏ khai thác cobalt phía nam Congo trong thời gian tháng 4-5/2015. Cộng hòa Congo có dân số vào khoảng 67 triệu người và là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Trong năm 2014, Ngân hàng thế giới đã xếp Congo vị trí thứ 2 từ dưới lên trên trong bảng xếp hạng Chỉ số phát triển con người.

Một nửa trữ lượng cobalt trên thế giới đến từ Congo, 20% trong số ấy là khai thác thủ công. Cái đau xót ở đây là, người dân Congo, vốn đã quá nghèo, không đủ cơm ăn áo mặc, lấy đâu ra điều kiện để được đi học, vì thế, cơ bản là họ chẳng có nhiều lựa chọn nào khác ngoài việc hi sinh sức khỏe đi khai thác quặng. Những đứa trẻ, vì gia đình chúng chẳng thể đưa chúng đến trường học tập, đành phải cho con đi theo giúp đỡ mình khai thác cobalt. Một số gia đình khác khá giả hơn, có thể cho con đi học thì bọn trẻ chỉ phải làm việc vào ngày cuối tuần.

Vì nghèo đói, trẻ em Congo buộc phải đi làm thay vì được đi học.
Làm việc ở những mỏ quặng này, những đứa trẻ ấy phải chịu đựng nhiệt độ cao, phơi mặt cho mưa, bão quất cho tơi bời. Những nhà điều tra đã từng nhìn thấy những đứa trẻ chỉ mới 7 tuổi, vác trên mình từng thúng quặng có trọng lượng còn lớn hơn cân nặng của chúng. Rất nhiều trong số chúng gặp những vấn đề về hô hấp, một số khác mắc các tật về xương sống do mang vác nặng cùng nhiều chấn thương khác. Cá biệt, bọn trẻ còn bị người lớn đánh đập vì làm ăn chậm chạp.

"Cháu đến mỏ từ sáng sớm và về vào ngày hôm sau. Có bao nhiêu tiền chúng cháu dùng để ăn uống hết, bởi vì ở nhà chúng cháu không ăn", một số công nhân trẻ em chia sẻ.

Có những đứa trẻ chỉ mới 7 tuổi đã phải vác trên vai những bao tải kim loại nặng hơn cả cơ thể chúng.

Ngoài các bệnh về hô hấp và tổn thương xương, các nhân công trẻ em còn có nguy cơ mắc các chứng bệnh nguy hiểm do tiếp xúc lâu ngày với quặng cobalt. Một trong những căn bệnh chết người đó là phổi nhiễm kim loại.

Các nhân công chẳng ai được trang bị đồ bảo hộ, mặt nạ, găng tay, cũng chẳng được đào tạo về cách xử lý tình huống khi gặp phải nguy hiểm, vì vậy chuyện công nhân chết khi khai thác quặng trở nên vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, vì cấu trúc hầm mỏ quá tồi tàn, không phải vụ tai nạn nào số thi thể cũng được tìm thấy đầy đủ, một số lượng lớn xác công nhân vẫn còn nằm yên bên trong, còn ở ngoài, khai thác thì vẫn cứ khai thác, chẳng có vấn đề gì to tát.

Trẻ em Congo mạo hiểm tính mạng để đi làm pin cho các thiết bị điện tử thông minh của nhân loại.
Hàng trăm triệu người trên thế giới, ngày ngày vẫn tận hưởng những sản phẩm công nghệ đời mới hiện đại, họ chẳng bao giờ, hoặc rất ít khi tự hỏi về nguồn gốc của những sản phẩm ấy.

Thế nhưng họ chẳng biết rằng, đâu đó trên thế giới, những đứa trẻ chỉ mới lên 6, lên 7 đã phải bỏ mạng hoặc chấp nhận một cuộc sống ngắn ngủi, đổi lấy cho con người thiết bị điện tử thông minh.

Đây là thời điểm mà các hãng công nghệ lớn nhìn lại về cách khai thác của mình, bỏ một ít trong số lợi nhuận khổng lồ đầu tư cho các nhân công, vốn đang quá khổ cực để làm giàu cho họ kia.

Theo Trí thức trẻ/Genk



0 nhận xét:

Đăng nhận xét