Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Vì sao ông Trump có thể chấp nhận một thỏa thuận thương mại tồi với Trung Quốc?

Quá sốt sắng cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 có thể khiến Tổng thống Donald Trump gật đầu với một thỏa thuận thương mại chẳng có mấy đột phá cho nước Mỹ.

Xé toạc bất cứ quốc gia nào có thâm hụt thương mại với Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc - nhân vật phản diện số một trong vấn đề thương mại - là chính sách đã giúp ông Trump giành được rất nhiều sự ủng hộ của cử tri, đặc biệt là ở khu vực công nghiệp Trung Tây nước Mỹ. Nó góp phần không nhỏ đưa ông Trump vào Nhà Trắng trong cuộc đua Tổng thống năm 2016.
Khi nhận thấy rõ các cử tri ở những bang như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania đã bất ngờ trao cho mình chiếc vé vào Nhà Trắng, ông Trump, với bản năng của mình, chắc chắn sẽ không dễ dàng để tuột mất. Chia sẻ với người bạn Tom Barrack, một nhà đầu tư nổi tiếng và là người gây quỹ cho chiến dịch tranh cử, ông Trump nói rằng: "Tôi thắng vì thương mại".
Tuy nhiên, theo bạn bè, cộng sự và những người làm việc trong chính quyền Trump ngày hôm nay, ông Trump không hiểu rõ các vấn đề thương mại phức tạp như thế nào. Là một doanh nhân và tự nhận có khả năng đàm phán xuất sắc, ông Trump cho rằng việc áp thuế với các đối tác lớn của Mỹ có thể mang về cho ông đòn bẩy quý giá trong các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo. Và đối với ông Trump, đòn bẩy chính là thuế quan.
"Tôi là người đàn ông của thuế quan. Tôi dùng chúng để đàm phán", ông Trump nói về việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hồi năm ngoái. Vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ tin rằng các biện pháp đánh thuế sẽ cho ông sức mạnh để mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại.
 Vì sao ông Trump có thể chấp nhận một thỏa thuận thương mại tồi với Trung Quốc? - Ảnh 2.
Tuy nhiên, Ngài tổng thống không chỉ đánh thuế nhằm vào Trung Quốc. Ông Trump còn đánh thuế vào các đồng minh truyền thống của Mỹ như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi điều này gây thất vọng với mọi người. Lớp các nhà đầu tư là những cử tri truyền thống của đảng Cộng hòa tỏ ra yêu thích các chính sách kinh tế của ông Trump như cắt giảm thuế và bãi bỏ các quy định vướng chân doanh nghiệp.
Họ yêu các chính sách này đến mức Chứng khoán Mỹ liên tiếp phá đỉnh kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, họ ghét chiến tranh thương mại. Một phân tích của IHS Markit cho thấy thị trường đã phản ứng xấu mỗi khi vấn đề về chiến tranh thương mại trở lên nổi bật. Ở chiều ngược lại, thị trường tăng khi những dấu hiệu lạc quan được đưa ra.
Thương mại là lý do sinh ra cuộc tranh luận về chính sách kinh tế trung tâm dưới thời ông Trump. Tại Nhà Trắng, một cuộc tranh luận đang nổ ra với chủ đề: Ông Trump có thể là một người đàn ông của thuế quan như cách ông tự nhận nhưng cũng là người rất yêu Phố Wall. Ông đang say sưa trong sự thật rằng Dow Jones đang ở mức cao nhất lịch sử kể từ khi nhậm chức.
Theo lời của Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia, ông Trump cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng. Chứng khoán Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi vào quý đầu tiên của năm 2019 sau cú sụt giảm đột ngột tháng 12 năm ngoái vì lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Một cố vấn kinh tế cấp cao giấu tên nhấn mạnh: "Điều mà ông ấy nhận ra là rất khó để có cả một cuộc chiến thương mại và một thị trường chứng khoán luôn xanh mượt".
 Vì sao ông Trump có thể chấp nhận một thỏa thuận thương mại tồi với Trung Quốc? - Ảnh 3.
Trong một vòng đàm phán gần đây với các đối tác từ Bắc Kinh, giới chức Nhà Trắng cho biết cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ diễn ra vào cuối tháng 3, nơi một thỏa thuận khung sẽ được ký kết. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề đã khiến cuộc gặp được đẩy lùi lại nhưng sẽ diễn ra trong tương lai gần.
Kudlow, giống như người tiền nhiệm Gary Cohn, có những quan điểm thúc đẩy thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sớm còn hơn muộn. Họ sử dụng lập luận thị trường chứng khoán và rộng hơn là cả nền kinh tế sẽ phản ứng tích cực một khi các vấn đề thương mại được giải quyết. Cùng chung quan điểm này còn có Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và trưởng Hội đồng cố vấn kinh tế Kevin Hassett.
 Vì sao ông Trump có thể chấp nhận một thỏa thuận thương mại tồi với Trung Quốc? - Ảnh 4.
Tuy nhiên, cố vấn chính của ông Trump, Đại diện thương mại Robert Lighthizer, đang khuyên Tổng thống kiên nhẫn. Ông Lighthizer tin rằng Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận tốt và toàn diện hơn với Bắc Kinh so với hiện tại.
Trong vòng đàm phán gần đây nhất, nguồn tin từ cả hai phía cho biết Trung Quốc đề nghị giảm thuế với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu, bao gồm ô tô. Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cam kết mua nhiều sản phẩm nông nghiệp và năng lượng từ Mỹ và nhập khẩu một lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng.
Điều này rõ ràng sẽ làm giảm thâm hụt thương mại song phương rất lớn giữa Mỹ với Trung Quốc và cho phép ông Trump có tiếng nói hơn trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020. Thỏa thuận với Trung Quốc, ông Trump có thể tự tin nói rằng ông đã hiện thực hóa cam kết trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Trong một cuộc họp ở Phòng Bầu dục, Nhà Trắng vào tuần đầu tiên của tháng 3, nhiều nguồn tin nói rằng Lighthizer khẳng định thỏa thuận mà Mỹ và Trung Quốc đang muốn đạt được không có gì đột phá. Không giống như bất cứ người tiền nhiệm nào, Lighthizer đã trình bày một kế hoạch mà nguồn thạo tin ở Nhà Trắng gọi là sự kiện thương mại "lịch sử" chống lại chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc.

Một người bạn chung nói rằng ông Lighthizer rất có ảnh hưởng với Tổng thống Trump. Nó bắt nguồn từ quan điểm của ông chủ Nhà Trắng với thương mại cũng như niềm tin của ông Trump về những nhận định của ông Lighthizer. Ông Trump tin rằng người Đại diện Thương mại của mình đúng phần lớn, nếu không muốn nói là đúng tất cả.
Nó nêu ra hàng loạt những vấn đề với Trung Quốc như trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ, bảo hộ các công ty nhà nước trong các ngành công nghiệp chủ chốt và yêu cầu các công ty đa quốc gia thành lập liên doanh với các công ty trong nước. Nó còn đề cập tới việc Bắc Kinh buộc doanh nghiệp nước ngoài phải chia sẻ công nghệ cũng như các rào cản truyền thống khác, bao gồm cả thuế quan.
Lighthizer cũng lập luận rằng Tổng thống Trump là người chủ động về mặt thời gian. Trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn còn tương đối mạnh, Trung Quốc đã cho thấy sự ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại. Một loạt dữ liệu gần đây còn cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang gặp những vấn đề sau nhiều năm nợ công tăng mạnh.
Thông điệp của ông Lighthizer gửi cho ông Trump rất rõ ràng: Ông Tập Cận Bình, dưới áp lực chính sách tại quê nhà, là người cần có một thỏa thuận thương mại nhiều hơn. "Chờ đợi, chúng ta có thể có một thỏa thuận tốt hơn" chính là cách ông Lighthizer dùng để mô tả điều đó. Đến bây giờ, ông Trump đang nghe theo lập luận của Lighthizer. Chưa thỏa thuận thương mại nào được đưa ra cho tới khi ông Trump và ông Tập Cận Bình chính thức gặp nhau.
 Vì sao ông Trump có thể chấp nhận một thỏa thuận thương mại tồi với Trung Quốc? - Ảnh 6.
Tuy nhiên, khi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 được triển khai, các vấn đề chính trị sẽ gây rất nhiều ảnh hưởng đến tâm trí của ông Trump. Ông chủ Nhà Trắng muốn bước vào cuộc đua dựa trên 2 chủ đề bao quát: sự thịnh vượng trải rộng và cuộc sống được nâng cao. Đó cũng chính là giá trị cốt lõi mà ông Trump đã hứa trong cuộc đua năm 2016.
Dấu ấn quan trọng nhất của ông Trump với nền kinh tế là tỷ lệ thất nghiệp thấp và sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán. "Ông ấy kiểm tra những biến động với thị trường nhiều lần một ngày và làm điều đó hầu như mọi ngày. Ông ấy xem đó chính là sự đánh giá hàng ngày về các chính sách kinh tế của mình. Nó đi lên phản ánh sự hiệu quả", một người bạn của ông Trump chia sẻ.
Sự thoải mái mà ông Trump có được từ việc tăng trưởng cổ phiếu có thể chỉ là phù du trong giai đoạn từ nay tới cuộc bầu cử tiếp theo. Không chỉ vì thị trường chứng khoán luôn biến động mà nó còn phụ thuộc vào mức tăng trưởng doanh thu của các công ty Mỹ, vốn đòi hỏi một môi trường kinh tế vĩ mô mạnh mẽ.
Hầu hết các nhà kinh tế đều đưa ra dự đoán về một sự giảm tốc của nền kinh tế trong năm nay, vốn bắt nguồn từ những tác động trong chính sách thuế của ông Trump. Điều này có thể trở thành vật cản cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán trong dài hạn.
 Vì sao ông Trump có thể chấp nhận một thỏa thuận thương mại tồi với Trung Quốc? - Ảnh 7.
Nỗi ám ảnh khác của ông Trump về thâm hụt thương mại cũng bị đặt nhầm chỗ. Dữ liệu thương mại gần đây đã chứng minh điều đó. Năm ngoái, Mỹ có mức thâm hụt thương mại lớn nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong năm 2018 khi các đối tác thương mại như Trung Quốc và đặc biệt là châu Âu đang chậm lại. Điều đó có nghĩa là Mỹ mua nhiều hơn trong khi nhu cầu của các đối tác giảm xuống.
Các trợ lý chính trị của ông Trump cho biết ông muốn chứng khoán Mỹ tăng lên trong năm 2020. Họ cũng biết rằng rủi ro lớn nhất có thể tác động đến thị trường chính là xung đột thương mại với Bắc Kinh. Các cố vấn chính sách chủ chốt ở Nhà Trắng, bao gồm Stephen Miller, đang thúc đẩy ông Trump chấp thuận một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Nó đề cập tới xuất khẩu nông nghiệp và năng lượng tới Trung Quốc, giúp ông Trump giải quyết được các vấn đề cấp bách.
Đổi lại, Mỹ sẽ giảm thuế với ô tô và các mặt hàng công nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, điều giúp ông Trump có thể cạnh tranh tốt hơn ở những bang đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc đua năm 2016 gồm Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Tỷ lệ ủng hộ với ông Trump ở các bang này đang có dấu hiệu giảm xuống ở thời điểm hiện tại.
Với tư tưởng diều hâu, Đại diện thương mại Lighthizer đã đưa ra cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, lúc này, ông Trump là người duy nhất có quyền quyết định và điều ông quan tâm nhất lại là cử tri. Nó có nghĩa là sớm hay muộn, ông Trump cũng sẽ thực hiện một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và tuyên bố chiến thắng dù đó có thể là một thỏa thuận tồi.
ST

0 nhận xét:

Đăng nhận xét